Nếu chỉ liệt kê và phân tích các yếu tố điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức riêng lẻ thì mô hình SWOT sẽ không phát huy được hết giá trị của nó. Vì vậy, mô hình này cần phải được mở rộng và phát triển thành một ma trận, kết hợp các yếu tố lại với nhau để đưa ra các chiến lược cụ thể. Các chiến lược đó bao gồm chiến lược SO, WO, ST và WT.
Chiến lược S-O:
Là chiến lược tận dụng các cơ hội hiện có từ bên ngoài để phát huy các nguồn lực, điểm mạnh của tổ chức, doanh nghiệp. Đây là chiến lược không cần tốn quá nhiều công sức mà lại mang đến hiệu quả cao và có khả năng thành công nhất. Chiến lược S-O thường là các chiến lược ngắn hạn.
Chiến lược W-O:
Là chiến lược nắm bắt các cơ hội hiện tại bằng cách cải thiện những điểm yếu, điểm chưa làm được của tổ chức, doanh nghiệp. Chiến lược này sẽ gặp nhiều khó khăn hơn bởi vì có thể khi bạn đã cải thiện được các điểm yếu thì cơ hội đã qua đi. Tuy nhiên nếu cố gắng hết sức thì vẫn có thể thành công, tạo ra bước tiến mới cho doanh nghiệp. Đây là một chiến lược trung hạn.
Chiến lược S-T:
Là chiến lược sử dụng điểm mạnh để hạn chế và đối phó với các nguy cơ từ bên ngoài. Chiến lược này giúp doanh nghiệp loại bỏ được các rủi ro, khống chế được tình hình không thuận lợi cho doanh nghiệp. Đây là một chiến lược ngắn hạn.
Chiến lược W-T:
Là chiến lược khắc phục trước các điểm yếu để phòng tránh rủi ro cho tổ chức, doanh nghiệp. Bởi vì các rủi ro và nguy cơ thường đến từ điểm yếu của doanh nghiệp nên cần phải nhận ra nguy cơ từ sớm, khắc phục các điểm yếu ngay từ bây giờ. Chiến lược W-T là một chiến lược phòng thủ.