Dưới đây là danh sách các trường đại học hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng của tạp chí Times Higher Education (THE) năm 2022:
University of Oxford (Vương quốc Anh)
Trường Đại học Oxford là trường đại học cổ nhất thế giới và là một trong những trường đại học hàng đầu thế giới. Trường được thành lập vào năm 1096 và nằm ở thành phố Oxford, Anh
University of Oxford là trường đại học lâu đời nhất trong những nước nói tiếng Anh và được công nhận là một trong những học viện hàng đầu trên thế giới, với 38 trường cao đẳng độc lập và 6 ký túc xá. Nhà trường là thành viên của Russell Group – nhóm các trường đại học nghiên cứu hàng đầu tại Anh, Coimbra Group – mạng lưới các trường đại học hàng đầu tại châu Âu, League of European Research Universities và cũng là thành viên chủ chốt của Europaeum. Về mảng đào tạo, Oxford thường xuyên giữ vững vị trí trong top 10 các trường đại học trên thế giới.
University of Oxford nhận đánh giá Vàng tại kỳ Teaching Excellence Framework 2017 và triển vọng việc làm cho sinh viên giữ vững ở vị trí hàng đầu tại Vương quốc Anh. Sau 5 năm tốt nghiệp, mức lương trung bình của sinh viên đạt khoảng gần £43,000. Nhà trường có tỉ lệ cao nhất về lượng sinh viên đạt bằng 2:1 trở lên và sinh viên đứng hạng nhất tại Vương quốc Anh.
Một lợi ích độc đáo từ University of Oxford cho phép sinh viên nhận nhận các bài hướng dẫn một thầy một trò hàng tuần, nơi sinh viên bậc cử nhân có thể dành 01 giờ với chuyên gia trong lĩnh vực. Nhà trường cũng là nơi đặt thư viện Bodleian, thư viện lớn thứ 2 tại Vương quốc Anh, chỉ đứng sau British Library. Sinh viên quốc tế đang theo học tới từ hơn 140 quốc gia khác nhau và theo học nhiều lĩnh vực đa dạng, chiếm 1/3 bộ phận sinh viên tại đây.
Oxford nằm tại phía Nam nước Anh, cách London khoảng 90 phút và có dân số là 150,000 người. Các toà nhà tại đây phản ánh được mọi thời kỳ kiến trúc Anh từ thời Saxon, bao gồm cả toà nhà Radcliffe Camerra có từ giữa thế kỷ 18. Oxford được biết đến như “thành phố của những xoắn ốc mơ màng”, một cụm từ do nhà thơ Matthew Arnold sáng tạo ra để mô tả sự hài hoà về kiến trúc của các toà nhà thuộc University of Oxford. Nơi đây chắc chắn là một thành phố sinh viên và hầu hết đều thuộc sở hữu của nhà trường, chính vì vậy sinh viên có thể nhận được giảm giá tại hầu hết các khu vực.
California Institute of Technology (Mỹ)
Viện Công nghệ California (tiếng Anh: California Institute of Technology, thường gọi là Caltech) là một viện đại học nghiên cứu tư thục ở Pasadena, California, Hoa Kỳ. Caltech có sáu đơn vị thành viên, hướng trọng tâm vào các ngành khoa học và kỹ thuật và là 1 trong 10 đại học hàng đầu thế giới. Khuôn viên chính rộng 50 hecta, nằm cách trung tâm thành phố Los Angeles chừng 18 cây số về phía đông nam.
Ban đầu được Amos G. Throop thành lập như một trường dự bị và dạy nghề vào năm 1891, ngôi trường này đã thu hút các nhà khoa học nổi tiếng đầu thế kỷ 20 như George Ellery Hale, Arthur Amos Noyes, và Robert Andrews Millikan. Hệ đào tạo dự bị và dạy nghề xóa bỏ từ năm 1910 và trường có tên như ngày nay từ năm 1921. Năm 1934, Caltech được gia nhập Hiệp hội Viện Đại học Bắc Mỹ. Những cơ sở tiền thân của Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA sau này được thành lập trong khoảng từ 1936 đến 1943; ngày nay Caltech vẫn tiếp tục quản lý và vận hành phòng thí nghiệm này. Caltech là một trong số một nhóm nhỏ các viện công nghệ ở Hoa Kỳ có xu hướng tập trung chủ yếu vào các ngành kỹ thuật và khoa học ứng dụng.
Mặc dù có quy mô nhỏ, 72 cựu sinh viên và giảng viên Caltech đã được trao 73 giải Nobel (Linus Pauling là người đầu tiên trong lịch sử nhận 2 giải cá nhân), 4 huy chương Fields, 6 Giải Turing và 72 người đã nhận Huy chương Khoa học Quốc gia hay Huy chương Công nghệ và Sáng kiến Quốc gia của Hoa Kỳ, 112 giảng viên là viện sĩ của các Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ, 4 trưởng khoa học gia của Không quân Hoa Kỳ. Caltech quản lý 332 triệu đô-la tiền tài trợ nghiên cứu năm 2011 và nhận 2.93 tỷ đô-la tiền hiến tặng trong năm 2018. Caltech cũng là một đối thủ cạnh tranh lâu năm của Viện Công nghệ Massachusetts. Năm 2012-2013, Caltech xếp thứ nhất thế giới trong bảng xếp hạng các viện đại học của Times Higher Education.
Harvard University (Mỹ)
Viện Đại học Harvard (tiếng Anh: Harvard University), còn gọi là Đại học Harvard, là một viện đại học nghiên cứu tư thục, thành viên của Liên đoàn Ivy nằm ở Cambridge, Massachusetts, Hoa Kỳ. Với lịch sử, tầm ảnh hưởng và tài sản của mình, Harvard là một trong những viện đại học danh tiếng nhất thế giới.
Được thành lập vào năm 1636 bởi Cơ quan Lập pháp Thuộc địa Vịnh Massachusetts và không lâu sau đó đặt theo tên của John Harvard – người đã hiến tặng của cải cho trường, Harvard là cơ sở học tập bậc cao lâu đời nhất Hoa Kỳ. Mặc dù chưa bao giờ có mối quan hệ chính thức với bất kỳ giáo phái nào, Trường Đại học Harvard (Harvard College, sau này là trường giáo dục bậc đại học của Viện Đại học Harvard) trong thời kỳ đầu chủ yếu đào tạo các mục sư Kháng Cách thuộc hệ phái Tự trị Giáo đoàn. Chương trình học và thành phần sinh viên của trường dần dần trở nên có tính chất thế tục trong thế kỷ XVIII, và đến thế kỷ XIX thì Harvard đã nổi lên như một cơ sở văn hóa chủ chốt của giới tinh hoa vùng Boston. Sau Nội chiến Hoa Kỳ, Charles W. Eliot trong nhiệm kỳ viện trưởng kéo dài nhiều năm của mình (từ 1869 đến 1909) đã chuyển đổi trường đại học này và các trường chuyên nghiệp liên kết với nó thành một viện đại học nghiên cứu hiện đại. Harvard là thành viên sáng lập Hiệp hội Viện Đại học Bắc Mỹ vào năm 1900. James Bryant Conant lãnh đạo viện đại học này trong suốt thời kỳ Đại suy thoái và Chiến tranh thế giới thứ hai, sau chiến tranh bắt đầu cải cách chương trình học và mở rộng việc tuyển sinh. Trường Đại học Harvard trở thành cơ sở giáo dục dành cho cả nam lẫn nữ vào năm 1977 khi nó sáp nhập với Trường Đại học Radcliffe.
Viện Đại học Harvard được tổ chức thành 11 đơn vị học thuật – 10 phân khoa đại học và Viện Nghiên cứu Cao cấp Radcliffe – với các khuôn viên nằm rải rác khắp vùng đô thị Boston: khuôn viên chính rộng 209 mẫu Anh (85 ha) nằm ở thành phố Cambridge, cách Boston chừng 3 dặm (4,8 km) về phía tây bắc; Trường Kinh doanh và các cơ sở thể thao, bao gồm Sân vận động Harvard, nằm bên kia sông Charles ở khu Allston của Boston; còn Trường Y khoa, Trường Nha khoa và Trường Y tế Công cộng thì nằm ở Khu Y khoa Longwood. Trong số các tổng thống Hoa Kỳ, có tám người là cựu sinh viên Harvard; chừng 150 người được trao giải Nobel là sinh viên, giảng viên, hay nhân viên của viện đại học này. Ngoài ra, có 62 tỉ phú hiện đang còn sống và 335 Học giả Rhodes, hầu hết sống ở Hoa Kỳ, là cựu sinh viên Harvard. Thư viện Viện Đại học Harvard cũng là thư viện đại học lớn nhất ở Hoa Kỳ. Tính đến tháng 6 năm 2013, tổng số tiền hiến tặng mà Harvard có được là 32,3 tỷ đô-la, lớn hơn ở bất cứ cơ sở học thuật nào trên thế giới.
Stanford University (Mỹ)
Viện Đại học Leland Stanford Junior, thường được gọi là Viện Đại học Stanford hay chỉ Stanford, là viện đại học tư thục thuộc khu vực thống kê Stanford, California (Hoa Kỳ). Stanford được biết đến với sức mạnh học tập, sự giàu có, gần gũi với Thung lũng Silicon và được xếp hạng là một trong những trường đại học hàng đầu thế giới. Khuôn viên chính của viện đại học này rộng rãi và đẹp đẽ, nằm cách San Francisco 60 kilômét về phía đông nam, nó ở phần chưa được sáp nhập của Quận Santa Clara bên cạnh thị trấn Palo Alto, và nằm ở trung tâm Thung lũng Silicon cả về vị trí địa lý và lịch sử. Là viện đại học có diện tích lớn thứ hai trên thế giới, Viện Đại học Stanford có chương trình đầy đủ cho sinh viên đại học cũng như sinh viên sau đại học, cùng với một trung tâm y khoa nổi tiếng và nhiều trung tâm nghiên cứu và dự án phục vụ. Cùng với Viện Đại học Harvard, Viện Đại học Yale và Viện Đại học Princeton, Viện Đại học Stanford nằm trong nhóm những viện đại học tốt nhất của Hoa Kỳ.
University of Cambridge (Vương quốc Anh)
Viện Đại học Cambridge (tiếng Anh: University of Cambridge), còn gọi là Đại học Cambridge, là một viện đại học nghiên cứu liên hợp danh giá tại Cambridge, Vương Quốc Anh. Được thành lập vào năm 1209, và được Vua Henry III ban đặc quyền hoàng gia năm 1231. Cambridge là viện đại học lâu đời thứ hai trong thế giới nói tiếng Anh, chỉ sau Viện Đại học Oxford, và là viện đại học lâu đời thứ tư trên thế giới hiện đang hoạt động. Cambridge hình thành từ một nhóm học giả đã rời bỏ Viện Đại học Oxford sau khi xảy ra tranh cãi giữa những người này với cư dân địa phương. Hai “viện đại học cổ xưa” này có nhiều điểm tương đồng nên thường được gọi bằng tên chung “Oxbridge”.
Cambridge được tạo thành bởi một loạt các cơ sở khác nhau, bao gồm 31 trường đại học thành viên và hơn 100 khoa học thuật được tổ chức thành sáu trường. Các tòa nhà của viện đại học nằm khắp thành phố, nhiều trong số đó rất có giá trị lịch sử. Các trường đại học này là những cơ sở tự điều hành, được thành lập như là những phần cấu thành viện đại học. Vào năm 2014, viện đại học có tổng thu nhập là 1,51 tỉ bảng Anh, trong đó 371 triệu bảng là từ các hợp đồng và các khoản tài trợ nghiên cứu. Viện đại học và các trường thành viên có tổng cộng 4,9 tỉ bảng Anh trong các quỹ hiến tặng, con số lớn nhất ở bất cứ viện đại học nào bên ngoài Hoa Kỳ. Cambridge là thành viên của nhiều hiệp hội và là một phần của “Tam giác vàng” – ba viện đại học hàng đầu ở Anh: Cambridge, London, và Oxford.
Sinh viên Cambridge học qua những bài giảng và những buổi thực hành trong phòng thí nghiệm do các khoa tổ chức dưới sự giám sát của các trường đại học. Cambridge điều hành tám viện bảo tàng nghệ thuật, văn hóa, và khoa học, bao gồm Viện Bảo tàng Fitzwilliam và một vườn bách thảo. Các thư viện của Cambridge có tổng cộng khoảng 15 triệu cuốn sách. Nhà xuất bản Viện Đại học Cambridge, một bộ phận của viện đại học, là nhà xuất bản lâu đời nhất thế giới và là nhà xuất bản lớn thứ hai thế giới do một viện đại học điều hành. Cambridge thường xuyên được xếp là một trong những viện đại học hàng đầu thế giới trong các bảng xếp hạng.
Cambridge có nhiều cựu sinh viên nổi tiếng, trong đó có một số nhà toán học, khoa học, và chính trị gia kiệt xuất; Cambridge đã sản sinh ra hơn 100 nhân vật đạt giải Nobel, nhiều hơn bất kỳ trường đại học nào.trên thế giới. Trong suốt lịch sử của mình, viện đại học được miêu tả trong nhiều tác phẩm văn chương và nghệ thuật của nhiều tác giả trong đó có Geoffrey Chaucer, E. M. Forster, và C. P. Snow.
Massachusetts Institute of Technology (Mỹ)
Viện Công nghệ Massachusetts (tiếng Anh: Massachusetts Institute of Technology hay MIT). là một viện đại học nghiên cứu tư thục ở thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Hoa Kỳ. MIT nổi tiếng nhờ hoạt động nghiên cứu và giáo dục trong các ngành khoa học vật lý, kỹ thuật, cũng như trong các ngành sinh học, kinh tế học, ngôn ngữ học, và quản lý.
MIT được thành lập vào năm 1861 nhằm đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa của Hoa Kỳ, dựa trên mô hình viện đại học bách khoa (polytechnic university) và nhấn mạnh đến việc giảng dạy trong phòng thí nghiệm. MIT ban đầu nhấn mạnh đến các ngành công nghệ ứng dụng ở bậc đại học và sau đại học, và chính điều này giúp thiết lập sự hợp tác gần gũi với các công ty công nghiệp. Những cải cách chương trình học dưới thời các Viện trưởng Karl Compton và Vannevar Bush trong thập niên 1930 nhấn mạnh các ngành khoa học cơ bản. MIT gia nhập Hiệp hội Viện Đại học Bắc Mỹ vào năm 1934. Các nhà nghiên cứu ở MIT nghiên cứu và thiết kế máy tính, radar, và hệ thống định vị trong suốt Chiến tranh thế giới thứ hai và thời Chiến tranh lạnh. Hoạt động nghiên cứu quốc phòng thời hậu chiến đã đóng góp vào sự gia tăng nhanh chóng số lượng giảng viên và sự phát triển của khuôn viên viện đại học dưới thời Viện trưởng James Killian. Khuôn viên hiện tại rộng 168 mẫu Anh (68,0 ha) mở cửa vào năm 1916 và mở rộng hơn 1 dặm (1,6 km) dòng theo bờ bắc con sông Charles.
Ngày nay MIT bao gồm nhiều khoa học thuật khác nhau, nhấn mạnh đến nghiên cứu và giáo dục trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ, kinh tế, quản lý và khoa học xã hội. MIT có năm trường (Trường Khoa học, Trường Kỹ thuật, Trường Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Quản lý, và Trường Nhân văn, Nghệ thuật, và Khoa học Xã hội) và một trường đại học (Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Y tế), bao gồm tổng cộng 32 khoa. Viện đại học này có 93 người được giải Nobel, 25 người nhận giải thưởng Turing, 58 người nhận Huân chương Khoa học Quốc gia (National Medal of Science), 29 người nhận Huân chương Công nghệ và Sáng tạo Quốc gia (National Medal of Technology and Innovation) 45 Học giả Rhodes (Rhodes Scholars), và 50 Học giả MacArthur (MacArthur Fellows).
MIT và cựu sinh viên đóng vai trò lớn trong nhiều phát kiến khoa học công nghệ hiện đại. Viện MIT cũng là một đối tác nghiên cứu quốc phòng quan trọng của chính phủ Mĩ, đặc biệt trong các dự án về hạt nhân, khoa học không gian, khoa học máy tính và công nghệ nano. 41 cựu sinh viên MIT đã trở thành phi hành gia của Hoa Kỳ và các nước khác. Trong số 12 người đã từng đặt chân lên Mặt Trăng, 4 trong số đó có bằng cấp từ MIT. Cựu sinh viên và cựu giảng viên Tiền Học Sâm khi trở về Trung Quốc đã lãnh đạo chương trình không gian và đạn tự hành và bom hạt nhân, được mệnh danh là “Cha đẻ của ngành tên lửa Trung Quốc” (hoặc “Vua tên lửa”).
MIT là một trong những cơ sở giáo dục bậc cao có tiêu chuẩn tuyển chọn sinh viên khắt khe nhất; chẳng hạn, khóa sẽ tốt nghiệp vào năm 2016 có 1.620 sinh viên được tuyển chọn từ 18.109 thí sinh, như vậy tỷ lệ được nhận vào chỉ 8.95%.
Princeton University (Mỹ)
Viện Đại học Princeton (tiếng Anh: Princeton University), còn gọi là Đại học Princeton, là một viện đại học tư thục tọa lạc ở Princeton, New Jersey, Hoa Kỳ. Princeton là viện đại học xếp thứ tư trong các trường và viện đại học cổ xưa nhất ở Hoa Kỳ và một trong tám trường và viện đại học của Ivy League.
Được thành lập tại Elizabeth, New Jersey vào năm 1746 và mang tên Trường Đại học New Jersey (College of New Jersey), trường được dời về Newark năm 1747, sau đó về Princeton năm 1756 và đổi tên thành Viện Đại học Princeton (Princeton University) vào năm 1896. Trường hiện nay mang tên Trường Đại học New Jersey ở gần Ewing, New Jersey không có liên hệ gì với Viện Đại học Princeton. Princeton là một trong tám trường Ivy League, và một trong chín trường đại học thời thuộc địa được thành lập trước cuộc cách mạng Mỹ.
Princeton cung cấp nhiều chương trình nghiên cứu sau đại học (đáng kể nhất là chương trình Tiến sĩ), và xếp hạng tốt nhất trong nhiều ngành, bao gồm toán, vật lý, thiên văn và vật lý plasma, kinh tế, lịch sử và triết học. Tuy vậy, trường không có một loạt các khoa đào tạo sau đại học như nhiều đại học khác — ví dụ, Princeton không có trường y khoa, trường luật khoa, hay trường quản trị kinh doanh. Trường chuyên nghiệp nổi tiếng nhất là Trường Quan hệ Quốc tế và Công vụ Princeton (thường được học sinh gọi là “Woody Woo”) thành lập năm 1930. Trường cũng có các chương trình sau đại học trong các ngành kỹ thuật, kiến trúc và tài chính.
Thư viện trường có hơn 11 triệu đầu sách. Thư viện chính của trường, thư viện Firestone, chứa khoảng 4 triệu cuốn sách, là một trong những thư viện đại học lớn nhất trên thế giới (và trong các thư viện lớn nhất có “các kệ sách mở” đã từng tồn tại). Trong bộ sưu tập của nó có cả những bản sách vô giá như tập bài thuyết pháp Blickling. Bên cạnh Firestone, trường còn có nhiều thư viện chuyên ngành, bao gồm kiến trúc, lịch sử nghệ thuật, nghiên cứu Đông Á, kỹ thuật, địa lý, ngoại giao và chính sách công và nghiên cứu Cận Đông.
Princeton xếp hạng 10 với số điểm 96.10 trong bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới năm 2013.
University of Chicago (Mỹ)
Viện Đại học Chicago (tiếng Anh: The University of Chicago, gọi tắt là Chicago), còn gọi là Đại học Chicago, là một viện đại học nghiên cứu tư thục ở Chicago, Illinois, Hoa Kỳ. Viện đại học này được Hội Giáo dục Baptist Hoa Kỳ thành lập vào năm 1890 với khoản tiền hiến tặng từ tỉ phú dầu lửa John D. Rockefeller. William Rainey Harper trở thành viện trưởng đầu tiên của viện đại học vào năm 1891; những lớp học đầu tiên khai giảng vào năm 1892.
Viện Đại học Chicago bao gồm Trường Đại học (the College), nhiều chương trình sau đại học và ủy ban liên ngành khác nhau được tổ chức thành bốn phân khoa, sáu trường chuyên nghiệp, và một trường giáo dục thường xuyên. Viện đại học có tổng cộng khoảng 15.000 sinh viên, trong đó chừng 5.000 sinh viên theo học ở Trường Đại học. Viện Đại học Chicago nhiều năm liền được xếp vào một trong 10 viện đại học hàng đầu thế giới; và được xếp thứ năm cùng với Viện Đại học Stanford trong “Bảng xếp hạng những viện đại học tốt nhất nước” năm 2014 của U.S. News & World Report.
Các học giả của Viện Đại học Chicago đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển những lĩnh vực học thuật khác nhau, trong đó có: trường phái kinh tế học Chicago, trường phái xã hội học Chicago, phong trào luật và kinh tế học trong phân tích pháp lý, trường phái phê bình văn học Chicago, trường phái nghiên cứu tôn giáo Chicago, trường phái khoa học chính trị được biết đến với tên “thuyết hành vi” (behavioralism), và trong lĩnh vực vật lý nơi các nhà khoa học của viện đại học đã tạo ra phản ứng hạt nhân nhân tạo và tự duy trì đầu tiên của thế giới. Viện Đại học Chicago cũng là cơ sở giáo dục đại học có nhà xuất bản lớn nhất Hoa Kỳ, Nhà xuất bản Viện Đại học Chicago.
Viện Đại học Chicago có 98 người được trao Giải Nobel (trong đó có 10 người đang là giảng viên), 49 Học giả Rhodes, và 9 người được Huy chương Fields.
Imperial College London (Vương quốc Anh)
Imperial College London thường xuyên nằm trong nhóm các trường đại học tốt nhất trên thế giới và tạo nên một phần của ‘Tam Giác Vàng’ gồm 6 trường đại học Anh hàng đầu như Oxford và Cambridge. Imperial theo truyền thống được biết đến nhờ các chương trình khoa học, kỹ thuật và y học đẳng cấp thế giới, mặc dù gần đây Trường Kinh Doanh của Imperial và Khoa Nhân Văn cũng đã nhận được nhiều đánh giá cao.
Imperial College London là một phần của Russell Group danh tiếng và được xếp hạng là trường đại học tốt thứ 5 tại Vương quốc Anh theo Times Good University Guide. Hiện nhà trường đang giữ vị trí thứ 9 trên thế giới trong bảng xếp hạng toàn cầu QS World Rankings. Nhà trường thường xuyên mang lại những bài nghiên cứu gây chấn động, với 14 giải Nobel và 81 học bổng từ ngành Khoa học Y học được trao thưởng trước đây.
Campus chính của Imperial College nằm tại South Kensington ở trung tâm London. Trước đây, Imperial là một trường cao đẳng hình thành nên University of London và trở thành một trường độc lập khỏi University of London vào ngày 8/7/2007, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập.
Imperial có một số campus nằm tại London và phía Đông Nam, tất cả đều có hệ thống giao thông công cộng tiện lợi và dễ dàng. Campus chính tại South Kensington, London, rất gần với Royal Albert Hall, Bảo Tàng Lịch Sử Tự Nhiên và Bảo Tàng Khoa Học.
Có 3 sân bay lớn nhất tại Vương quốc Anh sẽ dẫn bạn tới nhà trường thông qua các dịch vụ đặc biệt: Heathrow, Gatwick và Stansted.
Swiss Federal Institute of Technology Zurich (Thụy Sĩ)
ETH Zürich, thường được gọi là Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (tiếng Anh: Swiss Federal Institute of Technology), là một cơ sở giáo dục đại học về khoa học và kỹ thuật nằm ở Zürich, Thụy Sĩ. Tên toàn phần là Eidgenössische Technische Hochschule Zürich, với ETHZ cũng là một tên viết tắt không chính thức nhưng khá thông dụng. Người dân địa phương thường gọi đó là trường Bách khoa (Poly), từ tên gốc của nó Eidgenössisches Polytechnikum hay Federal Polytechnic Institute. Giống như trường École Polytechnique Fédérale de Lausanne (EPFL), nó có 3 nhiệm vụ chính: giáo dục, nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật ở mức quốc tế cao nhất. Cùng liên kết với một vài viện nghiên cứu chuyên môn khác, hai viện (ETH Zurich và EPF Lausanne) tạo thành vùng ETH, phụ thuộc trực tiếp vào Bộ Nội vụ của Liên bang.
Trường ETH thường được xếp hạng vào những trường đại học hàng đầu trên thế giới, khoảng từ thứ 3 đến thứ 6 ở châu Âu và khoản từ thứ 10 đến thứ 27 trong xếp hạng trên toàn thế giới bởi Hệ thống xếp hạng các trường đại học trên thế giới và Xếp hạng các đại học trên thế giới bởi tạp chí Times. Được xếp hạng 12 về khoa học và kỹ thuật vào năm 2005 bởi tạp chí Times.
Theo lịch sử, ETH nổi tiếng trong các lãnh vực hóa học, toán học và vật lý. Có 21 người đạt giải Nobel đã từng có liên hệ với ETH, chỉ đếm những cựu sinh viên và Giáo sư với các công trình được vinh dự đã được làm tại ETH, trong đó có Albert Einstein năm 1921. Người đạt giải Nobel gần đây nhất là Kurt Wüthrich với giải Nobel về hóa học vào năm 2002.
ETH không chọn lọc trong việc chấp nhận học sinh vào học. Giống như bất kì đại học công nào của Thụy Sĩ, ETH phải nhận bất kỳ một công dân Thụy Sĩ nào đã vượt qua kì thi Matura. Tuy nhiên, đa số học sinh từ các nước khác được yêu cầu phải qua một kì thi sơ lược hoặc toàn diện; một thí sinh có thể được nhận vào ETH mà không cần một chứng chỉ hay bằng cấp phổ thông nào cả bằng vượt qua kì thi tuyển vào toàn diện.
Không có kì thi bắt buộc nào trong năm học đầu tiên được chia thành hai học kì. Tuy nhiên, quá trình sàng lọc sẽ xảy ra trong mùa hè sau học kì thứ hai. Học sinh phải vượt qua một loạt các kì thi kiểm tra về các khóa học trong năm thứ nhất, gọi là Basisprüfung. Nếu điểm trung bình không đạt yêu cầu, bạn phải thi lại toàn bộ Basisprüfung mà thông thường nghĩa là bạn phải học lại toàn bộ năm thứ nhất. Hơn 50% số học sinh không vượt qua được Basisprüfung trong lần cố gắng đầu tiên và nhiều học sinh quyết định thôi học sau khi thất bại kì thi. Cấu trúc các kì thi ở các năm cao hơn cũng giống như Basisprüfung, nhưng với tỉ lệ vượt qua cao hơn.
Thời gian bình thường để tốt nghiệp là 6 học kì cho bằng Cử nhân Khoa học và thêm ba học kì nữa cho bằng Thạc sĩ khoa học. Học kì cuối cùng được dành cho việc viết luận văn.
Giáo dục tại ETH thiên nhiều về lý thuyết với nhiều kiến thức toán học liên quan nhiều khóa học. Ngôn ngữ giảng dạy chính là tiếng Đức trong khi tiếng Anh là lingua franca (ngôn ngữ sử dụng) ở mức cao học và các bằng cấp cao hơn.